Mới đây, sự việc chiếc Mazda3 ở Hà Tĩnh bị cháy trên đường chạy thủ, ngay sau khi vừa sửa xong các vấn đề hư hỏng do ngập nước đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Ngọn lửa lớn đã thiêu rụi toàn bộ phần đầu xe và hư hỏng nhiều chi tiết bên trong xe. Hiện tại, cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ cháy và chưa đưa ra kết luận chính xác.

Vụ cháy xe Mazda3 tại Hà Tĩnh.

Nhận định về vụ cháy xe kể trên, kỹ sư ô tô Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc trung tâm dịch vụ Auto i-Tech (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, cháy xe có thể đến từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả chủ quan và khách quan. Nhưng cháy ngay sau khi xe vừa mới được bảo dưỡng, sửa chữa xong có thể nói là sự việc hy hữu. Dù chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân ở vụ cháy chiếc Mazda3 trên nhưng vị kỹ sư này cũng đặt vấn đề: không loại trừ khả năng liên quan đến tay nghề của kỹ thuật viên trong quá trình tháo lắp các linh kiện sau khi xử lý xe bị ngập nước.

Kỹ sư Thắng cho rằng, trong quá trình lắp đặt, nếu vị trí gioăng của ống tuy ô (ống nhựa) cấp xăng vào động cơ không được làm kín sẽ gây ra tình trạng hở xăng. Ngoài ra, nếu các đường dẫn dây cao áp ra bô-bin đánh lửa cũng không được làm kín sẽ gây ra hiện tượng phóng tia lửa điện.

Việc lắp không chặt ống tuy ô cấp xăng và bô-bin đánh lửa có thể dẫn tới hiện tượng chập cháy trong khoang động cơ. Ảnh: Ngô Minh

Kết hợp hai yếu tố xăng hở và đoản mạch bugi, điều này hoàn toàn có thể gây ra cháy xe khi xe vận hành. "Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến và thường thấy trong các vụ cháy xe", anh Thắng chia sẻ.

Xử lý xe bị ngập nước cần chú ý điều gì?

Theo vị chuyên gia này, việc xử lý một chiếc xe bị ngập nước phụ thuộc vào tình trạng xe bị ngập ở mức độ nào, thời gian bị ngập nước. Ngập nước nhẹ, chỉ cần vài vài tiếng để xử lý.

Nhưng nếu ngập nước dẫn đến động cơ bị thủy kích, thời gian khắc phục có thể lên tới cả tháng. Bên cạnh đó, quá trình khắc phục xe ngập nước còn phụ thuộc vào phụ tùng có sẵn hay phải đặt hàng.

Ngoài ra, với các xe đã bị ngập nước, để an toàn trong quá trình vận hành, các hộp điều khiển như kiểm soát thân xe, điều khiển hệ thống truyền lực, kiểm soát phanh điện tử... cần được thay mới. Chi phí thay thế các hộp này sẽ bao gồm cả cụm dây điện đi kèm khá đắt, có thể lên tới 30 triệu đồng.

Trong trường hợp các hộp điều khiển của xe đặt ở vị trí cao, nước chưa ngập tới thì có thể tháo ra, vệ sinh và sấy khô là được. Nếu chủ xe yêu cầu chỉ cần vệ sinh và bảo dưỡng lại thì trước mắt, xe vẫn hoạt động bình thường nhưng có thể sẽ không đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành do các bản mạch bị ô xy hóa dễ gây ra chập điện, kỹ sư Thắng nhấn mạnh.

Xử lý xe bị ngập nước vẫn cần đảm bảo các quy trình như sau:

Chiếc Honda Civic 2009 đang được kỹ thuật viên xử lý phần sàn xe bị ngập nước. Ảnh: Ngô Minh

- Đối với nội thất: Các bộ phận nỉ, vải, da cần được vệ sinh và sấy khô càng sớm càng tốt để tránh bị hiện tượng nấm mốc gây mất thẩm mỹ. Các vị trí ốc vít cánh cửa, chân ghế, sàn xe cần được tra mỡ và sấy khô để hạn chế hoen gỉ.

- Đối với hệ thống điện: Cần kiểm tra kỹ các giắc nối của dây điện, các bộ phận cảm biến. Sau đó sấy khô để đảm bảo khả năng tiếp xúc của các dây điện.

- Đối với động cơ: Nếu xe bị ngập nước quá nắp ca-pô thì phải tiến hành "bổ máy" để kiểm tra tình trạng xe. Trong trường hợp xe bị thủy kích, các chi tiết như tay biên, thành xi lanh có thể gặp hư hại và buộc phải thay thế. Chi phí xử lý xe bị thủy kích rất cao từ vài chục cho đến vài trăm triệu đồng.

- Đối với các bộ phận khác như lọc gió, dầu máy chắc chắn sẽ phải thay mới. Cùng với đó, các bộ phận còn lại như hệ thống phanh, rô-tuyn hệ thống lái, hệ thống treo, máy nén điều hòa và gầm xe cũng cần được kiểm tra để tránh nguy cơ bùn, đất và nước đọng lại.